Thứ sáu, 14:16 Ngày 30/10/2020

Nhân tháng 11 có ngày Nhà giáo Việt Nam, KT&ĐS muốn đưa bạn đọc đến thăm nhà một người thầy dạy về kiến trúc

Nhân tháng 11 có ngày Nhà giáo Việt Nam, KT&ĐS muốn đưa bạn đọc đến thăm nhà một người thầy dạy về kiến trúc: KTS Phạm Gia Yên, trưởng khoa nội thất Đại học Kiến Trúc TP.HCM.

 


Bộ salông hướng quay ra sân vườn

 

Qua điện thoại, KTS Yên trả lời: "Ghé chơi thì sẵn sàng chứ viết bài thì tôi nghĩ... nhà tôi cũng bình thường lắm". Coi như KTS đã nhận lời với mục "Ghé chơi"! Và trong câu chuyện, KTS ít nói đến căn nhà của mình mà nhấn mạnh đến những sản phẩm nội thất do chính tay ông làm bằng sự say mê...

"Các anh cứ đi dọc đường này tới ngôi nhà toàn cây trúc", người bảo vệ chỉ lối trong khu Mỹ Gia I, đô thị Phú Mỹ Hưng. Đúng là ngôi nhà được bao bọc bởi hàng rào trồng toàn trúc. Những lá trúc vươn cao tạo nên cảm giác bao bọc mà không che khuất. Chúng tôi bấm chuông, người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, tóc cắt ngắn, đeo mắt kính tròn nhanh nhẹn ra mở cửa. Đó là thầy giáo, KTS Phạm Gia Yên.

Nếu mô tả căn nhà theo bản vẽ thì chỉ cần vài câu là đủ. Nhà biệt thự tứ lập, trước nhà có sân, hai bên có khoảng lùi. Tầng trệt có hai phòng, thêm một cái kho nhỏ làm "phân xưởng mini". Lầu một cũng có hai phòng ngủ. Nhưng câu chuyện của ông lại mang nhiều tâm sự về cách tạo dựng một tổấm và cả những chi tiết nghề nghiệp thú vị...

Ông kể: "Cái mà tôi thích ở khu phố này là không. Có lẽ do ảnh hưởng của thói quen đứng lớp, ông nêu trước một mệnh đề rồi giải thích, chứng minh.

Chung ở đây là gì? Là cảnh quan chung, là không gian đồng bộ. Các căn nhà đều có hàng rào sắt. Hàng rào chỉ có tác dụng làm ranh giới ngăn cách chứ không bị xây cao, che kín mít, không chia cách trong ngoài thành những phần hoàn toàn biệt lập. Khoảng sân bên trong hàng rào là nơi các chủ nhà có thể thể hiện cái riêng của mình nhưng đó vẫn chưa phải là không gian riêng tư. Bên trong mỗi ngôi nhà mới là không gian riêng tư, nơi chủ nhà tuỳ điều kiện, ý thích có thể tổ chức không gian theo cách của mình.

Như trong căn nhà này, ông cho đập hết bức tường phía trước, thay cửa sổ bình thường cách mặt đất hơn một mét bằng cái cửa chiếm trọn bức tường. Bộ sa lông tiếp khách không quay vào tủ, không hướng vào một màn hình tivi nào đó như thường thấy. Bộ sa lông quay ra khoảng sân, qua cái cửa sổ chiếm trọn bức tường, khách có thể nhìn thấy rõ khu vườn.

Kể cả độ lùi cả hai bên, khu vườn rộng khoảng 90 mét vuông. Ông nói: "Vườn hẹp thì phải liệu cơm gắp mắm. Muốn có khu vườn đẹp thì phải hiếu cây, hiếu cá". Khu vườn được thiết kế có đủ cả hồ, thảm cỏ, cây xanh. Và ở đối diện tầm nhìn từ phòng khách, ông cho đặt một khối đá lớn làm dáng của hòn núi. Có lẽ đó là sự cầu kỳ nhất của khu vườn này. Ông phải về Ninh Bình, chọn khối đá lũa với hình dáng phù hợp, thuê xe chở vào TP.HCM. Đưa khối đá vào sân, xoay hướng cho hợp tầm nhìn rồi đúc chân bê tông giữ đá. Tảng đá đứng trên bãi cỏ bên cạnh hồ nước rộng chừng gần chục mét vuông nuôi cá. Một cây cau mây bên lối vào và một cây bông sứ đứng làm duyên bên hồ. Giữa hồ là hai cụm bông súng. Nước hồ xanh màu tảo. Đàn cá chép Nhật tung tăng kiếm ăn quẫy động hồ.

Ông cho biết: "Cả cái vườn cây này, chỉ trừ việc nặng như mang đá, khiêng cây lớn còn thì vợ chồng tôi tự làm lấy hết. Chúng tôi chọn giống, chọn cây, trồng và chăm sóc. Tự mình làm, tự mình chăm sóc cũng là cái thú".
 

Sau quầy bar là bếp nhỏ gọn

 

Khoảng nghỉ chân trên lầu là nơi đặt đồ lưu niệm sau mỗi chuyến đi xa

 

   

Đèn góc nhà do thầy yên tự vẽ và làm. Bức tường gạch thủ công gợi nhớ quê nhà của thầy giáo

 

Phòng làm việc trên lầu 1

 

Nhưng vật dụng mà bỏ nhiều công sức không phải là vườn mà là đèn. Những chiếc đèn treo vách, đèn chùm, đèn góc phòng đều thuộc mẫu "không đụng hàng". Ở phòng khách là đèn vàng, ở phòng ăn là ánh sáng trắng. Những chi tiết được tính toán cụ thể. Ông phân tích: "Có lần tôi chấm tốt nghiệp cho sinh viên với đề bài thiết kế đèn. Nhìn bộ đèn mẫu, tôi hỏi ngay là có thể mua lại để dùng hay không? Anh sinh viên đành thú thật là mới chỉ chú trọng hình dáng chứ chưa tính đến độ chiếu sáng. Vì vậy, ở nhà, tôi làm thật với cái đầu và bàn tay của mình".

Trong một "phân xưởng nhỏ" nằm ngay sau ga-ra, với mấy chiếc máy, ông tự vẽ kiểu, chọn vật liệu và tự... thi công. Ông kể: "Dọn về nhà này cả mấy tháng, trần nhà vẫn còn để sợi dây lòng thòng. Vì lúc đó tôi chưa có thời gian ngồi vẽ kiểu đèn. Để làm một bộ đèn, tôi cần thời gian và cảm hứng". Chỉ tay vào chùm đèn ông nhấn mạnh: "Chỉ có chiếc đuôi đèn là phải tìm mua, còn lại gỗ, khung đều là tự tạo. Tôi thích khung bằng gỗ thông để mộc chứ cái đèn thế kia mà bóng nước sơn PU thì... hỏng".

Tầng trệt của ngôi biệt thự chia thành hai khu vực ngăn cách: phòng khách có bộ sa lông "hướng ngoại" tạo cho khách tầm nhìn trọn khu vườn bên ngoài. Phòng ăn giản dị, có bức tường gạch trát vữa. Ông phải ra khu vực đại lộ Đông Tây đang giải tỏa tìm mua lại gạch thẻ về cắt ra. Sở dĩ phải ra "chợ" này vì đó là gạch cũ làm thủ công. Bức tường được xây bằng vữa tam hợp trộn vôi, cát, xi măng theo tỷ lệ thích hợp.

Thoáng chốc, mặt trời đã ngả về hướng tây mà câu chuyện về tổ ấm vẫn còn nhiều điểu để nói. Ông tâm sự: "Ở đây tôi thấy thấm cái chữ cộng đồng. Ở nhiều khu phố mới khác, nếu tách riêng từng ngôi nhà thì ngôi nào cũng có vẻ đẹp, cũng có cá tính. Nhưng nhìn chung trong toàn khu phố, khi những ngôi nhà đứng cạnh nhau thì lại thấy nó cọc cạch. Thiếu tính đồng bộ, khi đứng cạnh nhau, ngôi nhà này làm giảm giá trị của ngôi nhà kia. Còn ở đây, nhờ có tính đồng bộ, ngôi nhà này làm đẹp ngôi nhà kia".

Ở không gian đó, trong một ngôi nhà cóhàng rào trúc là tổ ấm của một người thầy đang sống cùng người vợ và đứa con trai.

 

  

Đèn chùm, đèn treo tường tự làm. Lối vào nhà đi qua khu sân vườn

 

“Sơn thuỷ hữu tình” trong mấy chục mét vuông

 

Cây cổ thụ để treo phong lan

 

Cho cá ăn, một thú vui dung dị của thầy Yên

 

Trong “phân xưởng”, thầy yên làm việc với “cái đầu” người thầy, bàn tay người thợ

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 8 (năm 2007)