Tinh tế trong tinh thần Nhật Bản
Căn nhà không lớn. Chỉ một trệt, một lửng và hai tầng lầu trên diện tích đất chưa tới 100m2, nhưng từ xây đến hoàn thiện lại mất đến 2 năm.
Hai năm để hoàn thành một công trình dân dụng như vậy thì khá chậm. Sự chậm trể không phải do thiếu kinh phí hoặc sự cố. Mà với KTS Hoàng Tuấn Giang và chủ nhà thì khoảng thời gian như vậy vừa đủ để họ cùng hoàn thành một công trình vừa chỉn chu, vừa tỉ mỉ theo đúng tính cách của Giang cũng như tinh thần Zen trong kiến trúc Nhật Bản, nơi mà anh đã học và làm việc gần 20 năm, với đầy đủ sự tinh tế, công năng hiệu quả, kết cấu chặt chẽ và nhất là việc sử dụng tài tình ánh sáng, cây xanh, luân chuyển không khí…
Ở công trình này có thể thấy sự tỉ mỉ đến từ từng miếng gỗ bàn ăn vẫn còn vân sần sùi mà đủ trơn láng để không bám bụi. Sự tỉ mỉ cũng có thể thấy được từ cách đưa từng cây xanh vào nhà bằng việc chuẩn bị không gian giật tầng của kiến trúc sư và sự theo sát quá trình xây dựng như thế nào.
Ở đây, điều khéo léo là khi ở bất cứ tầng nào trong ngôi nhà cũng đều có cảm giác như đang ở tầng trệt, nhờ sự kết hợp tinh tế của cây xanh - ánh sáng, cách bố trí các không gian. Thậm chí đến mối tương quan với những nhà xung quanh cũng đều được kiến trúc sư xử lí, tính toán và tận dụng một cách triệt để, mang lại cho người sống bên trong cảm giác thật tự nhiên.
Ở công trình này, cần nói thêm một điều là mảnh đất xây nhà của gia chủ dù không được vuông vức và rộng rãi nên cần có sự khéo léo để ngôi nhà có đầy đủ công năng mà không lãng phí tiền bạc. Gia đình cần có không gian chung là sự kết nối giao thông thông thoáng cũng là sự kết nối giao tiếp đầy thuận lợi cho các thành viên. Khu vực bếp với các ngăn chứa thông minh, không gian thoáng đãng, đảo bếp bố trí thuận lợi sẽ giúp cho “bếp trưởng” của gia đình thăng hoa khi mang đến những món ăn ngon cho mọi người. Bậc thang dù là để dẫn bước chân người đến một không gian mới hay để lên thêm một tầng cao đã được thiết kế vừa bước chân, số bậc và chiếu nghỉ được phân bố hợp lý.
Thiết kế: Công ty Thiết kế Kiến trúc Cào Xanh
Chủ trì: KTS Hoàng Tuấn Giang
Lấy giếng trời giữa nhà làm trục chính. Cùng với các phòng chức năng khác, không gian phòng khách được kết nối với giếng trời giữa nhà
Phòng ăn được thiết kế đơn giản nhưng tiện dụng. Ánh sáng được lấy từ giếng trời phía sau. Màu sắc của mảng tường hàng xóm trở thành bức tranh decor cho phòng ăn (ảnh trái). Phòng ngủ thoáng, mở và giữ được sự riêng tư bằng tấm rèm
Nhà vệ sinh chung được đưa ra gần cầu thang, làm trục chính của căn nhà nhưng không tạo cảm giác bất thường. Một góc decor tầng 2 nhưng có cảm giác như ở tầng trệt
Lối dẫn lên cầu thang
Cây xanh được đưa vào giữa nhà để thay đổi không gian
Bản vẽ ngôi nhà
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 172